Wednesday, April 23, 2008

NHỮNG CUỐN SÁCH CŨ - cua Huy Phuong

Sunday, 20 April 2008
Nếu có một cuốn sách dạy làm người, làm người lương thiện và tử tế thì tôi không ngần ngại nói đó là tập sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Xin lỗi các bạn trẻ, chúng tôi, những người bây giờ đã quá tuổi sáu mươi, tâm hồn ai lại không đẫm chất “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” của một thời thơ ấu. Quen quá với “Xuân đi học coi người hớn hở”, hay “cậu Thu đi ở giữa đường”. Làm sao chúng ta không nhớ đến cậu bé “ngất nghểu trên mình trâu”, hình ảnh cụ già hì hục khuân tảng đá, như nghe được tiếng ru của bà trong một buổi trưa “trời nắng chang chang, gió im phăng phắc”. Không có Quốc Văn Giáo Khoa Thư, những ngày còn thơ ấu, làm sao chúng ta biết những chuyện bên Tàu như thầy Tử Lộ đội gạo nuôi song thân, ông Lý Tích nấu cháo cho chị mà bị cháy râu, ông Lưu Khoan tha thứ cho người nữ tỳ đổ cháo lên áo ông, rồi cả chuyện bên trời Tây như ông Carnot trở lại trường xưa thăm thầy cũ. Chúng ta cũng được biết những hiếu học như chàng Thừa Cung chăn lợn qua trường học, ông Châu Trí ở tại chùa Long Tuyền đốt lá đa làm đèn. Tất cả những nhân vật quen thuộc của “một thời giáo khoa thư” đều là những gương tốt, đôn hậu, thật thà, thương yêu, nhân ái và một ý tưởng luôn luôn nghĩ đến người khác.Thương biết mấy “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” với những vần thơ lục bát, mỗi bài chỉ có từ sáu đến mười câu nhưng chan chứa ý nghĩa thâm sâu, vần điệu ngọt ngào như ru. Chúng ta đã thuộc nằm lòng những mẩu chuyện trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, nhiều câu văn đã trở thành những “thành ngữ” phù hợp với những chuyện thường xẩy ra trong đời thường. Chúng ta ai cũng đã nghe và thuộc những câu “chốn quê hương đẹp hơn cả”, “ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”. Cuốn sách do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn thuộc “Nha Học Chính Đông Pháp” dưới thời kỳ Pháp thuộc (khoảng năm 1940) nhưng không có lấy một dòng ca tụng “mẫu quốc”, những “Liên Xô, Trung Quốc vĩ đại” như cái thời “độc lập, tự do, hạnh phúc” thời nay.Một cuốn sách khác tuy là phát xuất từ phương trời Âu, một cuốn sách dịch, nhưng đã gây ấn tượng mạnh trong tâm hồn thơ dại của chúng tôi trong những ngày tháng cũ. Làm sao tôi quên được cái câu “Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè trôi qua như một giấc mộng. Sáng nay mẹ tôi đưa tôi vào trường Ba Lệ Tư để ghi tên lên lớp ba...” trên bài thứ nhất viết về tháng mười của cuốn Tâm Hồn Cao Thượng do ông Hà Mai Anh dịch từ cuốn Grand Coeur của Edmond De Amicis (1846-1908). Chúng tôi biết đến cái tên Hà Mai Anh rất sớm. Mặc dầu với những cái tên phiên âm rất trúc trắc, xa lạ, tôi như đã có nhiều bạn bè quen biết với những cái tên như An Di, Phan Tín, Hạ Long như những thằng bạn cùng lớp cũng như hình ảnh của thầy Bích Niên với mái tóc bạc hay cô Đan Cát Tiên hiền lành. Cuốn sách có mười chương, mỗi chương là một tháng học trong niên khóa, mỗi tháng có sáu câu chuyện thể ký sự của một cậu bé 11 tuổi tên An Di và một câu chuyện kể trong tháng. Những câu chuyện của An Di trong “Tâm Hồn Cao Thượng” chỉ là những câu chuyện chung quanh rất “đời thường” xẩy ra trong lớp học, ở một thành phố nhỏ tên Turin ở phía bắc nước Ý. “Tâm Hồn Cao Thượng” là những chuyện về lòng thương yêu của cha mẹï, sự tận tụy của thầy cô giáo, lòng nhân ái của con người, làm cho chúng ta xúc động có khi rơi nước mắt về những câu chuyện kể. Chúng ta đã nghe câu chuyện về những trẻ em mù, khi một em bé đã thốt lên câu nói xót xa: “Lạy trời cho tôi được mở mắt một phút thôi, để tội nhận lại mặt mẹ tôi mà tôi đã quên mất rồi!”. Cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” nói cho chúng ta biết hạnh phúc là gì, nói về những điều chúng ta hiện có mà chúng ta không hay. Đây chỉ là những câu chuyện kể rất bình thường, tỉ tê, dịu dàng của một người thầy nói với học trò, một người mẹ nói với con, không chỉ làm rung động những tâm hồn ấu thơ và ngay đối với những cụ già, lần giở những trang sách cũ mà không khỏi bồi hồi xúc động về những câu chuyện bình thường mà chan chứa những điều nhân nghĩa. Dù cuốn sách lấy bối cảnh của một thành phố xa xôi tận bên nước Ý, nhất là vào một thời điểm mà thế giới chưa thu hẹp như ngày nay, nhưng chúng ta vẫn thấy gần gũi với những câu chuyện “rất người”. Như nhan đề “Tâm Hồn Cao Thượng”, cuốn sách làm cho tâm hồn người đọc hướng thượng, tốt hơn, hiền hơn, biết yêu thương hơn. Những danh từ “hy sinh”, “nghĩa hiệp”, “trách nhiệm”, “danh dự” trong “Tâm Hồn Cao Thượng” hình như chúng ta khó tìm thấy trong cái xã hội Cộng Sản đạo lý suy đồi hiện nay.Một cuốn sách khác là cuốn thơ ngụ ngôn “ Les Fables de La Fontaine” do ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ Pháp ngữ, với phần minh họa của hoạ sĩ tài hoa Mạnh Quỳnh. Chắc chắn nếu không có học gỉa Nguyễn Văn Vĩnh, thơ ngụ ngôn của thi hào La Fontaine (1612-1695) không phổ biến đến đại da số người Việt Nam trong những thập niên 40, 50. Ngày nay những lời dịch của ông Nguyễn Văn Vĩnh từ thơ La Fontaine đã thành những thành ngữ rất quen thuộc như “lý kẻ mạnh bao giờ cũng đúng”, “Con Nhái Muốn To Bằng Con Bò” , “ Con Cáo với Giàn Nho”, “Hội Đồng Chuột”, “Bán Da Gấu”, “Gà Đẻ Trứng Vàng”,“Chuyện Cô Bê Rét”...Thơ ngụ ngôn của La Fontaine đã đưa ông lên vị trí của những nhà thơ cổ điển nước Pháp và đối với một đất nước xa xôi như Việt Nam, phải ba thế kỷ sau, đa số quần chúng tây học mới biết nhiều đến những chuyện ngụ ngôn tây phương nhờ qua những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Có những ví von, những câu nói cửa miệng chúng ta dùng ngày nay mà ít khi nghĩ đến nó phát xuất từ những chữ nghĩa mỉa mai, răn đời của nhà thơ thiên tài La Fontaine.Ngày nay, trong hàng nghìn cuốn sách không cần đến tác quyền được in lại, những tập sách cũ này được xuất bản tại Việt Nam, nhưng nó không hề được xem như một loại sách giáo khoa hay được phụ huynh học sinh khuyến khích con em tìm đọc. Những danh từ “luân lý”, “đạo đức” nghe như ngô nghê, lỗi thời trong một xã hội vị lợi mà con người chỉ biết chạy theo đồng tiền và vật dục không lý gì đến nhân nghĩa. Đây chỉ là những cuốn sách cũ không còn được ai lưu tâm, nó nằm trong góc tối của một những nhà sách không ai buồn hỏi mua và trong tâm hồn những người của một thế hệ trước, ngày nay phần lớn không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Phải chăng đây là những cuốn sách dễ thương của những con người tử tế, giở lại từng trang như thấy những ngày thơ ấu xưa kia hiện về, và mặc dù ngày nay nó được in trên những trang giấy mới, bìa mới, có thể thơm mùi mực mới, nhưng đây chính là... những cuốn sách cũ trong cái “thư viện tâm hồn” cổ kính, già nua của chúng ta..

Video có tính cách mặc thị

Cảm ơn Tác Giả Huy Phương.Ông không nề hà đưa ra những ẩn dụ để cảnh giác xã hội Việt Nam hôm nay, để sớm xa rời không gian ảo, đang được nhiều người hồ hởi xông vào.

Trang Thuân Phong